Diễn đàn của Ủy ban thường trực về Tài chính (SCF) năm nay do chính phủ Tanzania tổ chức, phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), lần đầu tiên tập trung thảo luận về tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu có trách nhiệm giới, thừa nhận tình trạng khẩn cấp về khí hậu và các giải pháp tác động đến mọi người ở mọi giới theo những cách khác nhau.
Diễn đàn được tổ chức cùng với cuộc họp SCF lần thứ 35, đã cung cấp một nền tảng quan trọng cho nhiều bên liên quan khác nhau – chính phủ, quỹ khí hậu, tổ chức tài chính, xã hội dân sự, tổ chức phụ nữ, tổ chức nghiên cứu và khu vực tư nhân – để tăng cường phối hợp trong việc huy động và cung cấp tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vai trò của sáng kiến tài chính có trách nhiệm giới
Các sáng kiến tài chính có trách nhiệm giới, có tính đến nhu cầu, vai trò và trách nhiệm khác nhau của mọi người ở mọi giới, đã chứng minh được rằng có thể tạo ra hành động ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả và gắn kết hơn, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, Phó Tổng thống Cộng hòa Thống nhất Tanzania Philip Mpango cho biết: “Thật đáng mừng khi Diễn đàn SCF năm nay có chủ đề quan trọng như vậy. Tài chính có trách nhiệm giới không thể đạt được nếu không có bình đẳng giới và các quy trình ra quyết định có sự tham gia của mọi người ở các giới khác nhau”.
Thừa nhận vai trò quan trọng của tài chính có trách nhiệm giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cuộc thảo luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tài trợ đầy đủ cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu có trách nhiệm giới trong vòng mới của các kế hoạch khí hậu quốc gia, còn được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC 3.0) và Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP).
“Tài chính có trách nhiệm giới là điều cần thiết, không chỉ là việc đúng đắn cần làm mà còn là lựa chọn thông minh. Điều này đã được thể hiện rõ trong báo cáo gần đây của cơ quan Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu về việc tăng gấp đôi tài chính thích ứng, trong đó chỉ ra rằng các cách tiếp cận có trách nhiệm giới làm tăng hiệu quả chung của tài chính thích ứng”, bà Noura Hamladji, Phó Tổng thư ký điều hành về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cho biết.
Tích hợp những cân nhắc về giới vào khuôn khổ tài chính khí hậu
Trong suốt hai ngày thảo luận, Diễn đàn đã đề cập sâu đến những căng thẳng kinh tế, chính trị và xã hội khác nhau do tác động của biến đổi khí hậu gây ra có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có. Những người tham gia đã tìm hiểu tình hình hiện tại của các dòng tài chính có trách nhiệm với giới, xác định các cơ hội để tích hợp những cân nhắc về giới vào khuôn khổ tài chính khí hậu, chia sẻ các thông lệ tốt nhất và bài học kinh nghiệm trong việc tài trợ cho những sáng kiến hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi có trách nhiệm với giới. Họ đã nêu rõ cách huy động và mở rộng tài chính có trách nhiệm với giới thông qua các nguồn tài trợ, kênh và công cụ khác nhau.
Trong thập kỷ qua, một số quyết định của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã thừa nhận sự cần thiết của tài chính có trách nhiệm với giới, bao gồm các nhiệm vụ cho các đơn vị hoạt động của cơ chế tài chính để xem xét tích hợp thêm những cân nhắc về giới vào công việc của họ, bằng cách xem xét thực hiện chương trình làm việc Lima nâng cao về bình đẳng giới và kế hoạch hành động về giới của chương trình.
Bà Jemimah Njuki, Trưởng bộ phận Trao quyền kinh tế tại UN Women đã nhấn mạnh tính cấp thiết của hành động. Bà cho biết, tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang làm suy yếu quyền, nguồn lực và khả năng phục hồi của phụ nữ. “Nghiên cứu của UN Women cho thấy, đến năm 2050, biến đổi khí hậu có thể đẩy 158 triệu phụ nữ và trẻ em gái vào cảnh nghèo đói, với hơn 250 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trong trường hợp xấu nhất”, bà nói thêm.
Kết thúc cuộc họp, những người tham gia kêu gọi tiếp tục tập trung vào vấn đề giới trong các diễn đàn SCF trong tương lai, với diễn đàn tiếp theo sẽ tập trung vào vấn đề tài trợ cho hệ thống lương thực và nông nghiệp, một lĩnh vực mà sự chênh lệch giới tính thường rất rõ rệt và bất bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khả năng thích ứng của phụ nữ với biến đổi khí hậu.
2024: Năm then chốt cho tài chính khí hậu
Năm nay là năm then chốt để tăng cường tài chính khí hậu, khi các cuộc đàm phán đẩy mạnh việc thống nhất Mục tiêu định lượng tập thể mới về tài chính khí hậu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc tại Baku, Azerbaijan, nội dung thảo luận trọng tâm là cách chi các nguồn tài chính đáng kể cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Đây là cơ hội tuyệt vời để đảm bảo rằng tài chính có tính đến giới được đưa vào chặt chẽ trong các chiến lược khí hậu, qua đó hướng đến hành động vì khí hậu một cách công bằng và toàn diện.
Các kết quả từ diễn đàn SCF năm nay sẽ được trình bày tại COP29 dưới dạng thông tin đầu vào để các bên xem xét.
Theo Báo TNMT
Tags: biến đổi khí hậu, giới, tài chính, tài chính xanh