10:02 sáng 21/10/2024 58 lượt xem

Hàm lượng hữu cơ trong đất canh tác ở nhiều vùng nước ta đã giảm xuống dưới 1%, hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng như đạm, lân, kali trong đất đều ở mức nghèo kiệt.

Chất lượng đất nông nghiệp Việt Nam ở mức báo động, sức khỏe đất đến mức suy kiệt - Ảnh 1.

Bón quá nhiều phân vô cơ khiến đất bị suy thoái – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Vũ Thắng – phó trưởng phòng quản lý phân bón (Cục Bảo vệ thực vật) – đưa ra cảnh báo đáng lo ngại tại hội nghị triển khai đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 18-10.

Bón quá nhiều phân vô cơ

Ông Thắng dẫn điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021 cho thấy có 11,8 triệu héc ta đất bị thoái hóa, trong đó có hơn 4 triệu héc ta đất sản xuất nông nghiệp.

Tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

“Chất lượng đất nông nghiệp ở Việt Nam đã ở mức báo động, sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt. Hàm lượng hữu cơ trong đất canh tác ở nhiều vùng đã giảm xuống dưới 1%, hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng như đạm, lân, kali trong đất đều ở mức nghèo kiệt, độ chua của đất tăng lên, thể hiện qua giá trị pH đất chỉ dao động từ 4,2-5″ – ông Thắng dẫn chứng.

Bà Trần Thị Hòa – phó cục trưởng Cục Trồng trọt – nhận định đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu nghiêm trọng như hiện nay do tác động rất lớn của các yếu tố chủ quan như tập quán canh tác, trồng nhiều vụ trong năm, bón quá nhiều phân vô cơ, sử dụng ít phân hữu cơ.

“Vùng Tây Nguyên trồng nhiều cà phê, hồ tiêu thì chất lượng đất đã có thay đổi theo hướng bất lợi, hàm lượng carbon trong đất trung bình chỉ còn 1,2-1,5%, trong khi đất rừng tự nhiên là 5,14%, hàm lượng phân lân, kali dễ tiêu trong đất cũng cao gấp 7-10 lần… Nguyên nhân do canh tác nhiều năm, lạm dụng phân bón vô cơ” – bà Hòa chỉ ra cụ thể.

Bà Hòa kiến nghị thời gian tới cần nghiên cứu giải pháp bảo vệ phát triển đa dạng vi sinh vật trong đất, để từ đó có giải pháp cải tạo hệ vi sinh vật nhằm tăng cường độ tơi xốp, cải thiện “sức khỏe” lâu dài của đất.

Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình canh tác ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các mô hình canh tác bền vững như trồng gối, xen canh, áp dụng công thức luân canh, trong đó có cây họ đậu để chống xói mòn, hạn chế cỏ dại và sâu bệnh.

Chất lượng đất nông nghiệp Việt Nam ở mức báo động, sức khỏe đất đến mức suy kiệt - Ảnh 2.

Hội nghị triển khai đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 – Ảnh: C. TUỆ

Nông dân sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện nay tỉnh đã hoàn thành một đề án cấp bộ về xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ dinh dưỡng đất. Do đó, tỉnh Đồng Tháp mong muốn bộ cập nhật những dữ liệu này vào bản đồ dinh dưỡng đất.

“Để triển khai hiệu quả đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao thì việc lập bản đồ dinh dưỡng đối với đất trồng lúa rất quan trọng. Do đó mong bộ sớm triển khai nội dung này” – đại diện tỉnh Đồng Tháp nói.

Ông Phùng Hà, chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho hay hiện nay nông dân đang sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong canh tác lúa. Theo một kết quả nghiên cứu, trên 1ha canh tác lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang sử dụng khoảng 700kg phân bón vô cơ, tại Đồng bằng sông Hồng là khoảng 600kg. Trong khi đó, tại Trung Quốc chỉ sử dụng 290-310kg.

Nhiệm vụ đề ra cho ngành phân bón là phải làm sao giảm phân bón vô cơ, tăng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ, nếu sử dụng phân bón vô cơ không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sản lượng của cây trồng.

“Đề án cũng đề cập đến sử dụng phân bón hiệu quả cao (phân bón tan chậm, phân bón đa chức năng), nhưng chúng tôi chưa nhìn thấy cơ chế nào để thực hiện việc này. Tới đây, nếu thông qua việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón thì mới có động lực, khuyến khích các nhà đầu tư vào các dự án phân bón công nghệ cao, phân bón thế hệ mới” – ông Hà nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhấn mạnh vai trò của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan ở địa phương là rất quan trọng trong vấn đề sức khỏe đất. Về phía bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các chuyên gia, địa phương thực hiện đề án.

“Mục tiêu của đề án là nâng cao giá trị sử dụng đất, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, từ đó góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” – ông Trung nói.

Theo tuoitreonline

Tags: , ,