10:07 chiều 04/11/2024 65 lượt xem

Tại Hội thảo Chuyên đề “Vai trò của Lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững” do Green Media HUB tổ chức sáng 1/11, đề cập đến các nội dung mang tính nền tảng, căn bản về Net zero, phát triển bền vững với nền kinh tế các-bon thấp và sự chuyển đổi của Việt Nam, PGS,TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, phát triển cơ chế tài chính và thị trường các-bon sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ khí hậu.

Bằng các nghiên cứu khoa học và thực tiễn, PGS,TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã phác họa bức tranh về tham vọng Net zero và Chiến lược, hành động của Việt Nam trong vai trò là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu và là điểm sáng trong mục tiêu phát triển bền vững.

ts-tho.jpg
PGS,TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận tại Hội thảo

Việt Nam – điểm sáng về phát triển bền vững – thành viên tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới

Theo PGS,TS Nguyễn Đình Thọ, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và điều chỉnh chiến lược, chính sách để phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0; Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đạt mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về biến đổi khí hậu;

dai bieu
Đại biểu tham dự Hội thảo

Trong 5 nền kinh tế khử carbon cao nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ tư với tỷ lệ 6,5%; NDC cập nhật của Việt Nam vào năm 2022 đã nhấn mạnh cam kết trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, bao gồm phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao mục tiêu giảm phát thải; Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Nhóm đối tác quốc tế (IPG) về Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), đưa ra một lộ trình chuyển đổi năng lượng được đánh giá cao; Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán về “quỹ mất mát và thiệt hại” được thiết lập tại COP27 để hỗ trợ Việt Nam đối phó với các rủi ro từ biến đổi khí hậu; Việt Nam tham gia thảo luận xác định Mục tiêu toàn cầu về thích ứng (GGA) và xây dựng Khung GGA, cùng đóng góp vào Báo cáo tổng hợp toàn cầu đầu tiên về biến đổi khí hậu;

Là một quốc gia có đặt khát vọng và mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Việt Nam đã tham gia vào một số Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các hiệp định này thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhưng đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về phát triển bền vững và bao trùm. Theo PGS,TS Nguyễn Đình Thọ: “Phát triển bền vững và bao trùm đã trở thành luật chơi mới trong thương mại và đầu tư, đồng thời là yêu cầu bắt buộc để Việt Nam tuân thủ các cam kết liên quan đến khí hậu, môi trường, đa dạng sinh học và đầu tư, qua đó tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào hệ thống lương thực, năng lượng, tài chính, thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu”…

Trao đổi về cơ hội của Việt Nam, TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, trước nguy cơ thế giới đang đối mặt với ba cuộc khủng hoảng hành tinh: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, và suy giảm đa dạng sinh học, các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào các tài sản có tác động tích cực đến môi trường. Việc đạt được các mục tiêu khí hậu không chỉ giúp Việt Nam trở thành tiên phong trong công nghệ sạch, tạo việc làm, mà còn thu hút đầu tư bền vững, đưa đất nước tới một tương lai ít carbon và có khả năng phục hồi cao.

dai-bieu-tham-du-hoi-thao-2-.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Một số quy định mới của quốc tế liên quan đến phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu

Bên cạnh hệ thống hóa bức tranh toàn cảnh về chính sách Phát triển bền vững hướng tới Net zero các-bon của Chính phủ Việt Nam, PGS,TS Nguyễn Đình Thọ cũng đồng thời đề cập một số quy định mới của quốc tế liên quan đến phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu mà Việt Nam cần phải tuân thủ.

Theo PGS,TS Nguyễn Đình Thọ, kể từ tháng 1/2023, Chỉ thị Báo cáo Phi tài chính (NFRD) đã có hiệu lực, yêu cầu các công ty lớn công khai thông tin về tác động của hoạt động kinh doanh của họ đối với môi trường. Ngoài ra, Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) đã mở rộng yêu cầu này đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ niêm yết trên sàn chứng khoán. Chỉ thị Thẩm định Bền vững Doanh nghiệp (CSDDD) yêu cầu các doanh nghiệp phải giám sát và báo cáo về các rủi ro bền vững trong chuỗi cung ứng của họ. Quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm vào EU đảm bảo rằng sản phẩm của họ không có nguồn gốc từ việc phá rừng sau ngày 31/12/2020. Từ ngày 1/10/2023, Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm như sắt thép, xi măng, nhôm và phân bón vào EU phải đo lường và báo cáo lượng phát thải carbon, đồng thời mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải từ năm 2026.

Cùng với đó, PGS,TS Nguyễn Đình Thọ cũng đưa ra một số thông tin các đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong việc ban hành chính sách giảm phát thải để thực hiện các cam kết về mục tiêu khí hậu. Liên minh Châu Âu (EU) đã triển khai Cơ chế thương mại phát thải (ETS) với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải so với năm 1990 vào năm 2030 và mở rộng khung chính sách carbon vào năm 2040, hướng tới phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Hoa Kỳ đặt mục tiêu giảm 50-52% phát thải so với năm 2005 vào năm 2030 thông qua chương trình giảm phát thải quốc gia và tăng cường áp dụng công nghệ năng lượng sạch vào năm 2040, với tham vọng đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Trung Quốc, với cơ chế thương mại carbon, dự kiến sẽ đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và giảm 60-65% cường độ phát thải so với năm 2005 vào năm 2040, nhằm đạt được phát thải ròng bằng không vào năm 2060. Vương quốc Anh cam kết giảm 68% phát thải so với năm 1990 vào năm 2030 và đang đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo và hạ tầng bền vững, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Canada đặt mục tiêu giảm 40-45% phát thải so với năm 2005 vào năm 2030 thông qua chương trình thuế carbon và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo để đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Nhật Bản, với kế hoạch hành động khí hậu, sẽ giảm 26% phát thải so với năm 2013 vào năm 2030, tập trung vào nâng cao năng lực năng lượng tái tạo để hướng tới phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Việt Nam và công cuộc hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu trong mục tiêu phát triển xanh – bền vững

Theo PGS,TS Nguyễn Đình Thọ, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu của Việt Nam trong mục tiêu phát triển xanh – bền vững với nền kinh tế các-bon thấp, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng khả năng cạnh tranh và chống chịu trước các cú sốc bên ngoài. Tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon. Chiến lược này đặt con người làm trung tâm, khuyến khích lối sống có trách nhiệm, nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh dựa vào thể chế, khoa học công nghệ hiện đại và nhân lực chất lượng cao, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số và hạ tầng bền vững.

Đồng thời, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, được phê duyệt theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu. Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và thủy điện nhỏ, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào các dự án điện than và khí nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính. Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt ra tầm nhìn cho Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng.

dai-bieu-trao-doi-ben-le(1).jpg
Đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo

Nhân lực xanh, Đầu tư hạ tầng xanh – những yếu tố đóng vai trò then chốt

Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đề ra, PGS,TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, 2 yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần chú trọng đó là Nhân lực xanh và Hạ tầng xanh, đồng thời, phải giải quyết được các thách thức lớn, đặc biệt là tài chính để thực hiện.

Theo PGS,TS Nguyễn Đình Thọ, Nhân lực xanh đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với môi trường, tập trung vào các ngành công nghiệp như năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, nông nghiệp bền vững và sản xuất sạch. Lực lượng lao động cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao và góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy quá trình số hóa mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, chuyển đổi số cũng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Nhân lực trong lĩnh vực này cần có trình độ chuyên môn cao về công nghệ thông tin, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới nổi khác. Nhân lực cần có hiểu biết sâu rộng về các chính sách xã hội và pháp luật, đặc biệt liên quan đến bình đẳng giới, quyền lao động và môi trường làm việc an toàn.

“Tuy nhiên, thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay là đảm bảo lực lượng lao động có thể thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường, giúp quốc gia không chỉ theo kịp mà còn dẫn đầu trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi bao trùm”, PGS,TS Nguyễn Đình Thọ lưu ý.

Đề cập đến vấn đề Đầu tư hạ tầng xanh, theo PGS,TS Nguyễn Đình Thọ, Đầu tư hạ tầng xanh là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng các công trình thân thiện với môi trường như tòa nhà tiết kiệm năng lượng, hệ thống giao thông công cộng hiện đại giảm thiểu khí thải, và cơ sở hạ tầng xử lý nước thải và chất thải một cách hiệu quả, tạo điều kiện cải thiện chất lượng môi trường sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh và kinh tế số thông qua việc tạo ra nhiều việc làm mới và khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh.

Thách thức và cơ hội

Chỉ ra các thách thức lớn đối với Việt Nam, PGS,TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, một trong những thách thức lớn mà Việt Nam cần tập trung giải quyết đó là Huy động nguồn vốn đủ lớn để đào tạo nguồn nhân lực xanh và triển khai các dự án hạ tầng xanh trên quy mô toàn quốc, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang chịu áp lực từ sự phát triển nhanh chóng và các vấn đề môi trường nghiêm trọng.

Làm rõ thêm về quy luật thách thức tạo cơ hội, PGS,TS Nguyễn Đình Thọ chỉ rõ: Cơ hội huy động tài chính khí hậu và tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, hệ thống tài chính, các công ty đa quốc gia và các đối tác phát triển cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và quản lý tài nguyên nước đang mở ra tiềm năng lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu về giảm thiểu phát thải. Các nguồn vốn này được dành riêng cho các dự án có mục tiêu rõ ràng về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nước, đồng thời thúc đẩy các giải pháp công nghệ số trong quản lý tài nguyên. Các quỹ khí hậu toàn cầu như Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) đang mở ra cơ hội tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo và các dự án quản lý nước bền vững. Hệ thống tài chính có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các sản phẩm tài chính như trái phiếu xanh và tín dụng xanh, giúp doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp công nghệ sạch.

“Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các ngành năng lượng, công nghệ và hạ tầng, có thể tiếp cận nguồn vốn này bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững và minh bạch môi trường… Tích hợp tài chính xanh vào chiến lược phát triển kinh tế sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các ngành nghề, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ, áp dụng mô hình sản xuất bền vững, giảm thiểu phát thải và tối ưu hóa tài nguyên”, PGS,TS Nguyễn Đình Thọ đưa ra gợi ý..

Đề cập đến vai trò của Chính phủ, theo TS Nguyễn Đình Thọ, Chính phủ cần xây dựng danh mục phân loại xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khung pháp lý và tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường tài chính xanh, bao gồm việc phát triển hạ tầng tài chính kỹ thuật số, hệ thống giám sát và đánh giá môi trường, nhằm nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng tài chính khí hậu. Chiến lược phát triển cơ chế tài chính và thị trường các-bon sẽ khuyến khích chuyển dịch đầu tư vào các hoạt động kinh tế phát thải thấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ khí hậu, hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.

Theo Báo TNMT

Tags: , , , ,