Dòng vốn xanh là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững. Do đó, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị dài hạn để đáp ứng các yêu cầu từ các nhà đầu tư xanh.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu về phát triển bền vững, việc tiếp cận nguồn vốn xanh đang trở thành yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với nhóm doanh nghiệp này là hạn chế về nguồn lực, kinh nghiệm, và năng lực đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các nhà đầu tư xanh.
Chia sẻ tại tọa đàm “Chuyển đổi xanh theo ESG: Doanh nghiệp làm gì khi hạn chế nguồn lực”, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết: mặc dù đã có sẵn nền tảng với các chứng nhận về sản xuất bền vững, song việc tiếp cận vốn xanh vẫn là một thử thách lớn.
Phúc Sinh Group từng mất tới 26 tháng để hoàn thành quy trình tiếp cận quỹ đầu tư ESG đầu tiên. Tuy nhiên, sau khi thành công, việc tiếp cận các quỹ sau diễn ra nhanh chóng, chỉ mất 3 tháng. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần kiên nhẫn và chuẩn bị dài hạn để hoàn thiện các yêu cầu cần thiết.
Theo ông Phan Minh Thông, để nhận được vốn đầu tư, doanh nghiệp cần cấp cho các tổ chức chứng nhận và các chứng chỉ mình đã làm. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nỗ lực để đạt các chứng nhận quốc tế như ISO 14001 (quản lý môi trường) hoặc các chứng chỉ ngành liên quan. Đồng thời, đảm bảo báo cáo được thẩm định bởi các tổ chức uy tín như PwC hay các công ty kiểm toán hàng đầu. “Một khi doanh nghiệp có được sự tin cậy từ các quỹ đầu tư lớn, quy trình tiếp cận các quỹ khác sẽ dễ dàng hơn do có thể sử dụng lại các báo cáo đã thẩm định”, ông Thông chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Phạm Việt Anh – Tiến sĩ Quản trị kinh doanh bền vững, nghiên cứu sinh về phát triển bền vững và ngoại giao, cho rằng doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn xanh phải có báo cáo tài chính minh bạch, được xác nhận bởi bên thứ 3.
Trong quá trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chí trách nhiệm: trách nhiệm lợi nhuận (lợi nhuận đó phải đúng pháp luật), sau đó là tuân thủ đạo đức, môi trường, xã hội; cuối cùng là trách nhiệm thiện nguyện. Doanh nghiệp làm ESG phải đảm bảo trách nhiệm lợi nhuận kinh tế đầu tiên, từ đó chứng minh được khả năng hoàn vốn thì mới có thể thu hút vốn từ các quỹ đầu tư, ngân hàng.
“Hiệu quả nhất là doanh nghiệp dùng tiền đó đầu tư vào hạ tầng cơ sở, nhà máy, con người, tài sản có khả năng sinh lời trong tương lai để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững…”, ông Việt Anh đưa lời khuyên.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận nguồn vốn xanh là cơ hội để tạo dựng uy tín và phát triển bền vững. Để tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chuyển đổi sang phát triển xanh theo ESG.
Theo ông Hòa, để chuyển đổi xanh theo ESG, các doanh nghiệp cần trích lập quỹ phát triển bền vững từ lợi nhuận hoặc tái đầu tư. Cùng với đó, vận dụng linh hoạt các nguồn từ Nhà nước và các tổ chức quốc tế.
Một chiến lược hiệu quả là kết hợp chuyển đổi xanh với các chương trình hỗ trợ hiện có. Điển hình như với ngành nông nghiệp, bên cạnh yêu cầu về chuyển đổi xanh, doanh nghiệp còn phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. “Chương trình truy xuất nguồn gốc không là một chương trình chuyển đổi xanh nhưng vẫn là một chương trình mà ngành nông nghiệp đang có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng cho chuyển đổi xanh. Chúng ta có thể lồng ghép các chương trình này lại với nhau, vừa đạt mục tiêu phát triển bền vững, vừa đạt mục tiêu truy xuất nguồn gốc”, ông Hòa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hòa, với nguồn lực hạn chế, để thúc đẩy chuyển đổi xanh, đầu tiên, doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ rằng, đây là xu thế bắt buộc phải làm, nếu không làm thì không thể tồn tại và phát triển được.
Thứ hai, mặc dù hiện nay tình hình thị trường có khó khăn do tổng cầu giảm, nhưng chính bối cảnh khó khăn cũng cho phép chi phí đầu tư rẻ hơn.
Thứ ba, đối với TP.HCM, với tinh thần của Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố, HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 09 và UBND TP.HCM đã có Quyết định 42 về chương trình hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
“Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tận dụng, tiến hành đầu tư thực hiện chuyển đổi xanh, đáp ứng đòi hỏi của thị trường và chuẩn bị đón đầu cho chu kỳ phát triển tiếp theo từ nguồn hỗ trợ lãi suất này”, ông Hòa cho biết.
Về phía HUBA, hiện đơn vị đã cùng với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM – thành lập một tổ liên ngành để lắng nghe, quảng bá, xúc tiến cho chương trình giữa doanh nghiệp muốn chuyển đổi và đơn vị cho vay, từ đó giải quyết các khúc mắc, giải đáp những thông tin chưa đầy đủ và thúc đẩy quá trình diễn ra.
Theo Báo TNMT
Tags: chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, phát triển xanh, tài chính xanh