Doanh nghiệp Việt chỉ khi không có đơn hàng mới tăng tốc thay đổi, thực hiện chuyển đổi xanh theo ESG, theo Chủ tịch Huba.
Chia sẻ tại tọa đàm “Chuyển đổi xanh theo ESG – Doanh nghiệp làm gì khi hạn chế nguồn lực?”, ngày 19/11, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (Huba) – cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt đã nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, nhưng tâm lý chung là “nước tới chân mới nhảy”.
Với tâm lý này, chỉ khi không có đơn hàng, họ mới tăng tốc thay đổi. Hiện tiêu chí xanh trở thành hàng rào kỹ thuật mới buộc các doanh nghiệp Việt phải làm. “Doanh nghiệp nếu không thực hiện chuyển đổi xanh, ESG thì không bán được hàng, nhất là sang thị trường xuất khẩu”, ông Hòa nói.
Một trong những nguyên nhân do phần lớn doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực vốn có hạn. Họ chỉ tích cực chuyển động khi chịu sức ép từ phía khách hàng, thị trường. Tuy vậy, việc thực hiện ESG (Environmental, Social, and Governance – khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm với môi trường, xã hội của doanh nghiệp) đã trở thành yêu cầu bắt buộc, trước hết từ đòi hỏi của thị trường.
Chủ tịch Huba cho rằng các doanh nghiệp cần đón đầu, đừng chờ nước tới chân mới nhảy trong chuyển đổi xanh theo ESG, bởi “chờ tới lúc đó sẽ nhảy không kịp, cơ hội đi qua, rất khó làm lại”.
Thực tế, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh chưa cao, khi hơn 60% chưa chuẩn bị gì cho quá trình này, theo báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) hồi tháng 9.
Song không ít doanh nghiệp nhận thức từ sớm việc thực thi ESG sẽ giúp họ mở rộng quy mô, hoạt động. Công ty cổ phần Phúc Sinh là đơn vị sản xuất nông nghiệp đầu tiên ở Việt Nam nhận vốn gần 600.000 EUR không hoàn lại từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD).
Giai đoạn đầu làm ESG, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Phan Minh Thông chia sẻ ông bỏ 5 tỷ đồng tiền cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng suốt hai năm sau đó họ thất bại, không đạt các tiêu chuẩn ESG khi tổ chức nước ngoài đến kiểm tra đột xuất tại nhà máy, cánh đồng canh tác sản phẩm.
Sau nhiều nỗ lực, hai năm sau đó, Phúc Sinh đạt được chứng nhận đầu tiên về ESG. Điều này giúp họ mở rộng quy mô, tăng đơn hàng xuất khẩu nông sản sang hơn 100 quốc gia. Ông Thông nhìn nhận, thực thi ESG là xu hướng mà các doanh nghiệp khó có thể cưỡng lại.
“Khi bị đẩy vào thế không có sự lựa chọn, doanh nghiệp sẽ tăng tốc rất mạnh mẽ. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp Việt sẽ thay đổi hoàn toàn 1-2 năm tới trong thực thi ESG”, ông nói thêm.
Với các doanh nghiệp, ngoài đáp ứng yêu cầu của đối tác, tăng bán hàng khi đạt được chứng nhận ESG, chuyển đổi xanh còn giúp họ tiếp cận các dòng vốn xanh. Song, theo TS Phạm Việt Anh – chuyên gia về phát triển bền vững lưu ý không phải cứ là doanh nghiệp xanh thì quỹ đầu tư, ngân hàng sẽ rót vốn.
Xét về lý thuyết, ông Việt Anh cho biết có 3 giai đoạn thực thi phát triển bền vững ở doanh nghiệp, gồm bền vững yếu, quá độ bền vững và bền vững mạnh. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển bền vững nên doanh nghiệp dễ chuyển đổi. Giai đoạn này, điều cần nhất là sự tuân thủ về pháp luật, đạo đức, môi trường.
Để tiếp cận vốn xanh, theo chuyên gia, doanh nghiệp cần có báo cáo tài chính minh bạch, chứng minh được tính hiệu quả và khả năng hoàn vốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tư duy chuyển đổi xanh là chiến lược dài hạn, buộc phải đầu tư, không phải là chi phí.
“Nếu nhìn chuyển đổi xanh là chi phí, doanh nghiệp sẽ bị kẹt trong tư duy cuối năm kết sổ, tính tỷ lệ chi phí chuyển đổi trên doanh thu, lợi nhuận… Cần nhìn chuyển đổi xanh là cuộc đua marathon dài hơi”, ông Việt Anh nói.
Theo VnExpress
Tags: esg, phát triển bền vững, phát triển xanh