4:00 chiều 10/03/2024 336 lượt xem

Bụi mịn kích thước quá nhỏ xuyên qua phế nang mao mạch vào hệ tuần hoàn cơ thể làm tổn thương tế bào não, tăng nguy cơ đột quỵ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận khoảng 7 triệu cái chết mỗi năm trên toàn cầu liên quan đến ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam, con số này là 60.000 người. Hà Nội và TP HCM là một trong những thành phố có chất lượng không khí thấp nhất châu Á.

Riêng Hà Nội, hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế. Sự gia tăng bụi PM2.5 tại Hà Nội khiến mỗi năm thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 trường hợp bệnh hô hấp, lần lượt chiếm 1,2% và 2,4% tổng số ca bệnh, theo số liệu Bộ Y tế. Còn bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, nói rằng phơi nhiễm bụi PM2.5 làm tăng 15% nguy cơ đột quỵ.

Giải thích về cơ chế bụi mịn gây đột quỵ, bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, miêu tả bụi xâm nhập cơ thể bằng đường hô hấp xuyên qua màng, phế nang mao mạch. Bụi mịn làm tổn thương các tế bào não và tim mạch, tấn công phế nang, vượt qua vách ngăn khí – máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, ảnh hưởng hệ thống thần kinh.

“Tiếp xúc bụi mịn lâu dài, tổn thương diễn biến phức tạp, nguy hiểm đến nhiều cơ quan cơ thể hơn”, bác sĩ nói.

WHO ghi nhận bụi mịn là nguyên nhân gây ra gần 4 triệu ca tử vong trên toàn cầu do bệnh về tim mạch, nhiễm trùng đường hô hấp, phổi mạn tính, ung thư, sinh non… Phơi nhiễm ngắn hạn với bụi PM10 có thể làm nặng thêm các bệnh về đường hô hấp mạn tính, bao gồm hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Nghiên cứu mới tại Anh cho thấy ô nhiễm không khí có thể khiến tim ngừng đập, tăng đột quỵ hay hen suyễn ở cả trẻ em và người lớn. Trong những ngày nồng độ ô nhiễm tăng cao, trung bình có thêm khoảng 124 ca nhập viện vì tim ngừng đập, 193 ca hen suyễn. Các bệnh nhân mắc tình trạng lưu thông của máu bị đình trệ do kỳ tâm thu của tim rối loạn – một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Nghiên cứu cũng cho thấy ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng 36.000 người Anh mỗi năm.

Còn theo nghiên cứu năm 2022 từ Đại học Chicago, Mỹ, ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ trung bình xuống hơn hai năm, tương đương tác hại của hút thuốc lá. Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) khuyến cáo tiếp xúc liên tục với 10 µg/m³ PM2.5 làm giảm khoảng một năm tuổi thọ. WHO khẳng định bụi mịn là “kẻ giết người thầm lặng”.

Tiếp xúc với bụi mịn trong thời gian dài gây hại hệ hô hấp, tăng nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Hùng Lê

Ngoài ra, ô nhiễm kèm theo hiện tượng mù sương vào sáng sớm dẫn đến hiện tượng nghịch đảo nhiệt độ cục bộ. Hạt bụi mịn lẫn trong hạt sương rất dễ gây hại sức khỏe. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo nhóm nguy cơ cao như mắc bệnh hen, phổi, suy tim, mạch vành, khi thời tiết thay đổi cần hạn chế ra ngoài. Người từng đột quỵ cũng không nên tập luyện quá sức vào sáng sớm bởi tăng nguy cơ đột quỵ lần hai.

Bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài để hạn chế hít phải khói bụi, nên chọn loại khẩu trang có tác dụng chống bụi tốt. Hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc… Người làm việc trong môi trường nguy cơ cao ô nhiễm cần trang bị bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn. Thường xuyên nhỏ, rửa mũi, mắt sau khi về nhà.

Đột quỵ có thể coi là hậu quả của rất nhiều các vấn đề sức khỏe khác nhau như tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ, béo phì… Do đó, để dự phòng, mọi người nên tìm hiểu các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ và thay đổi lối sống phù hợp. “Không có một phương pháp dự phòng đột quỵ đơn lẻ nào có thể mang lại hiệu quả tốt, mà phải phối hợp các biện pháp”, bác sĩ Nghĩa cho biết.

Nguồn: https://vnexpress.net/bui-min-thoi-bung-nguy-co-dot-quy-4720519.html