Nhiều chủ doanh nghiệp bắt đầu thấy rằng nên nhìn nhận ESG dưới góc độ “cơm, áo, gạo, tiền”, tức có thể gia tăng 2-3 doanh thu, tạo ra lợi nhuận thay vì chỉ khiến họ đội chi phí.
ESG với ba yếu tố chính môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp là cốt lõi của phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh. Đây được xem là bộ tiêu chí đo lường tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Chia sẻ với VnExpress bên lề tại một tọa đàm về thực hành ESG mới đây, bà Trần Thị Thu Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel cho rằng cần nhìn nhận ESG dưới góc độ “cơm, áo, gạo, tiền”, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp thay vì gia tăng chi phí..
Bà Trang kể, Hanel xuất khẩu khoảng 4 triệu con chip một tháng. Bao bì, khay nhựa đựng chip được tái xuất về Việt Nam để tận dụng cho các lô hàng kế tiếp. Họ tiết kiệm được chi phí mua bao bì mới.
Mặt khác, nhờ được miễn thuế, doanh nghiệp dùng chi phí này để thuê 10 nhân lực xử lý bao bì nhựa tái sử dụng. Khách hàng không mất thêm tiền xử lý rác thải nhựa phát sinh từ lô hàng.
“Việc thực hành ESG giúp doanh nghiệp có thể ghi nhận doanh thu gấp 2-3 lần vào năm sau”, bà Trang chia sẻ.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chọn thúc đẩy các hoạt động ESG thông qua sự hỗ trợ từ chính phủ hay các hiệp hội doanh nghiệp. Họ chủ động tìm kiếm các tổ chức quốc tế uy tín hoặc hướng đến các chương trình phát triển bền vững cùng cộng đồng, con người.
Nhưng không ít đơn vị chọn cách làm “cộng sinh” để thực hiện ESG.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Shinec – chủ đầu tư khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) – cho hay khu này có 3 chuỗi cộng sinh trong tái chế và tuần hoàn là điện tử, nhựa và thép. Rác thải của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của đơn vị khác trong chuỗi.
Hay với khu vực được quy hoạch cây xanh, nhẽ thường nhiều chủ đầu tư trồng keo hay bạch đàn, bởi vốn đầu tư thấp. Nam Cầu Kiền xây Vườn kỷ vật mang dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Mọi người hỏi tiền đâu mà xây? Tôi vận động các công ty trong khu công nghiệp tham gia, mỗi đơn vị tặng một cây. Chúng tôi tạo nên một vườn cây mà mọi người cùng vui, hạnh phúc”, ông chia sẻ tại Lễ trao giải “Sáng kiến ESG Việt Nam 2024” và giới thiệu các công cụ hỗ trợ thực hành ESG trong doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch Đầu tư gần đây.
Chủ tịch Shinec kể không ai hiểu vì sao họ đề xuất “cộng sinh” khi làm ESG tại khu công nghiệp này, bởi doanh nghiệp nào cũng có “mối làm ăn” riêng. Nhưng với người làm kinh doanh, quyền lợi doanh nghiệp đặt trên hết. Khi thấy có lợi, họ sẽ làm.
“Doanh nghiệp làm được ESG, dòng vốn sẽ tự chảy đến”, ông Điệp nói.
Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào 2050 tại Hội nghị COP26. Bên cạnh đó, yêu cầu từ các đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững ngày càng gia tăng như Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (Corporate Sustainability Reporting Directive – CSRD) của các nước Châu Âu hay dự thảo Đạo luật Phí ô nhiễm nước ngoài (Foreign Pollution Fee Act – FPFA) của Mỹ.
Thực tiễn này thách thức doanh nghiệp Việt phải đổi mới để bắt kịp xu thế, nếu không sẽ giảm sức cạnh tranh, mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Giám đốc Văn phòng Ban IV Phạm Thị Thu Thủy nhắc lại chuyện Bangladesh chiếm thị phần dệt may Việt Nam, mà từ khóa trong cuộc chơi ấy là LEED (Leadership in Energy & Environmental Design) – hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh. Bà Thủy cho hay một chủ doanh nghiệp dệt may khi nhìn bảng đánh giá LEED đã rất sốc, nhưng xác định không thể không làm. “Năm ngoái, trong lúc phần lớn các đơn vị trong ngành bị giảm hoặc không có đơn hàng, doanh nghiệp đó ghi nhận con số dương và trở thành ‘người được chọn nhà mua’, thay vì nhà mua quốc tế chọn doanh nghiệp cung ứng Việt”, bà kể.
Lúc này, phát triển bền vững là tự nguyện và trách nhiệm tuân thủ của mỗi doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương.
Tuy vậy, việc tiếp cận vốn để làm ESG không dễ dàng. Báo cáo “Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh” của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết 62,7% công ty có doanh thu 1.000 – 1.500 tỷ đồng gặp khó về vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh.
Một trong số lý do, theo bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn HSBC Việt Nam là Việt Nam đang thiếu hệ thống phân loại chi tiết định nghĩa thế nào là xanh, bền vững. Vì thế, các tổ chức tài chính như HSBC khi xem xét khoản vay cho doanh nghiệp Việt, buộc phải sử dụng tiêu chuẩn quốc tế. Song bất cập là các tiêu chuẩn này quá cao so với hầu hết công ty.
“Việt Nam chưa có tiêu chuẩn xanh, nên doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn quốc tế khi muốn thực hiện các giải pháp về môi trường, xã hội”, ông Phạm Hồng Điệp nhìn nhận.
Thực tế này được bà Phạm Thị Ngọc Thủy nhận xét là “thiếu một ngôn ngữ dùng chung” giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp Việt. Đây cũng là lý do khiến tín dụng xanh tăng so với trước, nhưng vẫn khiêm tốn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, nửa đầu năm nay, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Để thu hút dòng vốn đầu tư cho chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp kiến nghị nhà chức trách cần sớm ban hành tiêu chuẩn phân loại danh mục dự án xanh, quy định tín dụng, trái phiếu xanh và hướng dẫn thực hiện để họ tiếp cận được nguồn lực phù hợp. Họ cũng kiến nghị có cơ chế ưu đãi thuế, tín dụng xanh để giảm chi phí, khắc phục khó khăn về vốn khi chuyển đổi. Doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ kiến thức của các bên tư vấn về cách thức thiết lập chiến lược, xây dựng lộ trình chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững.
Theo VnExpress
Tags: chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững, phát triển xanh