1:25 chiều 01/08/2024 178 lượt xem
Ngày 26/7/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Viện CLCSTNMT) phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia tổ chức Hội thảo tham vấn về mô hình thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ. Mục tiêu của Hội thảo là nhận được nhiều ý kiến góp ý hay, hiệu quả về cơ chế quản lý việc thải bỏ phương tiện giao thông tại Việt Nam, cũng như đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thải bỏ phương tiện giao thông. Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện CLCSTN&MT chủ trì. Đến dự Hội thảo còn có TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhóm nghiên cứu Viện CLCSTN&MT. Ngoài ra, Hội thảo còn thu hút nhiều nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm. Hội thảo được tổ chức trong thời gian Quốc tang, vì vậy, trước khi Hội thảo bắt đầu, trong không khí trang nghiêm, thành kính, Ban tổ chức cũng như các đại biểu tham dự đã dành những phút tưởng niệm bày tỏ niềm tiếc thương về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
z5668959938641 1dc5b7d1d1effddeb2551ad48c4b6043
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện CLCSTN&MT phát biểu khai mạc Hội thảo

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, phương tiện giao thông thải bỏ đang ngày càng tăng, là một trong những dòng chất thải gia tăng nhanh và trở thành một trong những thách thức lớn về môi trường. Quản lý phương tiện giao thông thải bỏ đúng cách là một nhiệm vụ đầy thách thức đòi hỏi phải xem xét nhiều vấn đề liên quan như quản lý phương tiện giao thông, quản lý môi trường, cơ chế tài chính, cơ chế thu hồi, công nghệ tái chế, điều kiện kinh tế xã hội… Ở nhiều nước phát triển, đặc biệt tại các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô được coi là thiết yếu, các chính sách liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được xây dựng. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một cách tiếp cận chính sách dựa trên việc quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với các sản phẩm – không chỉ trong giai đoạn sử dụng mà cả khi sản phẩm của họ đã trở thành chất thải. Đây là cách tiếp cận chính sách hiệu quả để hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường.

z5669369453380 2ba659887294a225fdeb297f6516aa8c
TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo
z5669369525571 fe1d83c52862184d568e1b5340070a30
Ông Đào Công Quyết, Trưởng Ban truyền thông của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) phát biểu tại Hội thảo

Tại Việt Nam, mô hình (EPR) tự nguyện (theo Luật BVMT 2014 và Quyết định 16/2015/QĐ-TTg) đã không phát huy được tác dụng mong muốn, không tạo ra cơ chế tài chính bền vững cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm sau sử dụng; không có tác động đến quá trình sử dụng nguyên liệu, thiết kế sản phẩm, chính sách bảo trì, bảo dưỡng sản phẩm để giảm chi phí tái chế bằng cách sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, thiết kế sản phẩm dễ thu gom, tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm… Đứng trước xu hướng tất yếu của sự phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn thì việc áp dụng EPR theo mô hình bắt buộc là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm phải thu hồi, tái chế các phương tiện giao thông thải bỏ bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Do vậy, Luật BVMT 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã đưa ra các quy định cụ thể hơn, khả thi hơn để thực hiện hiệu quả cơ chế EPR. Theo đó, phương tiện giao thông là một trong những loại sản phẩm phải thực hiện cơ chế EPR.

Trong thực tế hiện nay, việc thu hồi, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ chủ yếu được thực hiện bởi khu vực phi chính thức, là các cơ sở ở các làng nghề thu gom, tháo dỡ, tái chế. Trong khi đó, dòng phương tiện giao thông ở nước ta tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua với tỉ lệ sở hữu phương tiện giao thông đường bộ tăng mạnh với khoảng 70 triệu xe mô tô/xe gắn máy, 5-6 triệu xe ô tô đang lưu hành. Điều này đang đặt ra những thách thức lớn trong việc thực thi quy định pháp luật.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 77 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông có trách nhiệm thu hồi, tái chế các loại phương tiện giao thông cũ thải bỏ từ ngày 01/01/2027. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định việc thải bỏ phương tiện giao thông trước ngày 01/01/2025. Chính vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất giải pháp, cơ chế thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

z5669369554182 48cf156bf38d6938f937c7c14b3f1272
Hội thảo được tổ chức trong thời gian Quốc tang, vì vậy, trước khi Hội thảo bắt đầu, trong không khí trang nghiêm, thành kính, Ban tổ chức cũng như các đại biểu tham dự đã dành những phút tưởng niệm bày tỏ niềm tiếc thương về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

z5669369453776 5a9bdccd354ead14b0e920fde08531c6

 

z5669369423175 3cbc55a7853958a82625e113e9a4b74f (1)

z5669369376440 f47edbd7b98076ecd4465ed31154d774

 

 

z5668959914271 e3bb863dcfb925dc836b3d5751d06ec8

z5670452030853 17fb210953a16e9454a5f8a2c7743f40 (1)

Theo Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ TNMT