Cỏ bàng sinh trưởng trên những vùng đất ngập nước, sau khi thu hoạch sẽ được phơi, ép rồi đan lát thành nhiều đồ dùng sinh hoạt.
Hàng trăm năm nay, người Khmer ở vùng giáp biên giới Campuchia đã thu hoạch cỏ bàng để làm ra các sản phẩm thủ công phục vụ cho đời sống hàng ngày. Khi tới đồng cỏ bàng ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, khách tham quan có thể bắt gặp cảnh người dân đi nhổ cỏ trên những vùng đất ngập nước.
Trước khi ra đồng, người dân sẽ đeo một đôi tất vải dài đến đầu gối để tránh đỉa.
Cỏ bàng được thu hoạch bằng cách cầm gần phần ngọn rồi nhổ cả cây lên thay vì cắt bằng liềm như một số nơi ở Long An. Bên cạnh tất chân, người nông dân còn đeo găng tay khi nhổ để không bị xước. Theo chị Thị Vây (Phú Mỹ), người làm công việc này gần 10 năm, thời gian lấy cỏ bàng từ 12h đến 16h hàng ngày. Các hộ thường đi nhổ cỏ vào những lúc không bận việc trồng lúa, chăn nuôi.
Những ngọn cỏ được lựa chọn ngay khi mới nhổ. Chị Vây chỉ giữ lại cỏ xanh, cứng, trong khi những ngọn héo vàng không đủ chất lượng bị loại bỏ.
Cỏ bàng là một chi của cây cói, thân cứng, cao khoảng 1,5 m và có hoa màu nâu ở phần ngọn. Loài thực vật này phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, Phú Mỹ là nơi duy nhất còn lại hệ sinh thái đồng cỏ bàng ở đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích lớn.
Cỏ sau khi thu hoạch sẽ được buộc thành từng bó, nặng gần 2 kg. Mỗi lần ra đồng, chị Vây thu hoạch được khoảng 10 bó. Cỏ bàng tại Phú Mỹ đa phần đều là tự nhiên, tự sinh sôi trên vùng đất ngập nước phèn chua. Người dân trong xã phải đi xa hơn để lấy cỏ sau khi đã nhổ hết ở gần nhà, nhưng chỉ cần chờ khoảng 4 – 5 tháng là cỏ mọc lại um tùm.
Những bó cỏ bàng phơi trước cửa nhà một người dân ở ấp Trấn Thệ, xã Phú Mỹ. Đi dọc theo con kênh chạy qua xã vào những ngày nắng, khách tham quan có thể thấy cảnh người dân đang phơi cỏ bàng và đan lát đồ thủ công trước hiên nhà.
Chị Sã Rêl (xã Phú Mỹ) mang cỏ bàng ra sân phơi vào giữa trưa. Nếu trời nhiều nắng, người dân chỉ cần phơi trong ba ngày. Những bó cỏ đã khô tiếp tục được đem đi ép thuê tại một nhà máy gần xã. Trước đây khi chưa có máy móc, người dân sử dụng chiếc chày lớn để đập dẹt cỏ.
Cỏ bàng đã ép dẹt trở thành nguyên liệu để người dân địa phương tạo ra các loại đồ dùng. Theo ông Lý Hoàng Bảo, phụ trách thủ công mỹ nghệ Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ, tổng sản lượng mặt hàng người dân làm ra khoảng 200.000 cái, thu về vài tỷ đồng mỗi năm.
Một số sản phẩm thủ công làm từ cỏ bàng như thúng, túi đựng, đệm… Ngoài xã Phú Mỹ, một số địa phương tại Việt Nam cũng trồng và sản xuất đồ thủ công từ cỏ bàng như xã Mỹ Hạnh Bắc (Long An), làng Phò Trạch (Thừa Thiên Huế).
Nguồn: Tổng hợp
Tags: nông nghiệp xanh, sản phẩm xanh