10:07 chiều 10/07/2024 4325 lượt xem

Ngày 10/7, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Chính sách TN&MT đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng các công cụ và chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn” nhằm triển khai quy định trong Luật BVMT năm 2020 để đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2024-07-10-luc-14.08.55.png
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT (CLCSTNMT) cho biết, Việt Nam đã cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris cũng như Net Zero định hướng đến 2050 phát thải ròng bằng “0”, do đó, tại Diễn đàn lần thứ 3 đã thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) triển khai các phương án để thực hiện mục tiêu này.

Trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, KTTH đã chính thức được đưa vào cùng kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp. Tại Điều 142 Luật BVMT đã quy định cụ thể các chỉ tiêu xác định KTTH, bao gồm: Năng suất tài nguyên; giảm thiểu việc tiêu thụ nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu hoá thạch; kéo dài vòng đời sản phẩm; giảm phát thải, rác thải ra môi trường và không gây tác động xấu đến môi trường.

Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Viện CLCSTNMT đã được giao thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng liên quan đến phân loại xanh, để xác định các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về KTTH giúp xây dựng các dự án đầu tư đáp ứng được yêu cầu kinh tế xanh và xây dựng dự thảo Kế hoạch Quốc gia để thực hiện KTTH cho tất cả các lĩnh vực.

Theo yêu cầu của Điều 142, các Bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép KTTH trong quy hoạch, kế hoạch Chiến lược phát triển Quốc gia. Bên cạnh đó, các định phương cũng cần áp dụng KTTH trong chuỗi sản xuất và tiêu dùng.

Vì vậy, việc xây dựng các công cụ, chỉ số đo lường của KTTH có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng theo quy định của Luật BVMT, Nghị định 08. Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ mong muốn rằng, Hội thảo ngày hôm nay sẽ là công cụ hữu ích để giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu đánh giá, xác định được các mô hình KTTH, từ đó thúc đẩy, hướng tới việc đưa ra các chính sách, phương án phù hợp cho các doanh nghiệp, các chính quyền địa phương và Bộ, ban ngành chuyển đổi sang mô hình KTTH tại Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2024-07-10-luc-14.09.25.png
Bà Susane Luther – Giám đốc Viện Hợp tác Quốc tế, Quỹ Hanns Seidel phát biểu tại Hội thảo

Tham luận tại hội thảo, bà Susane Luther – Giám đốc Viện Hợp tác Quốc tế, Quỹ Hanns Seidel nhấn mạnh, Đức và Châu Âu từ lâu đã công nhận nền KTTH chính là động lực của sự đổi mới và cân bằng tăng trưởng kinh tế. Do đó, Quỹ đã được Quốc hội Đức ủy nhiệm tạo cơ hội hành động theo cách độc lập trong các hoạt động Quốc tế liên quan đến KTTH.

Vì vậy, bà Susane Luther tin rằng điều quan trọng cần thực hiện ngay lúc này để thúc đẩy KTTH là đầu tư, phát triển các dự án kinh tế, kinh doanh. Ví dụ ở thành phố Munich có nền tảng thiết lập phối hợp và thành lập khu vực văn phòng điều phối trong nền KTTH.

“Với tư cách là Quỹ đang phát triển, chúng tôi đã tạo ra môi trường kết nối các doanh nghiệp, thực hiện theo cơ chế của Chính phủ Liên bang Đức ban hành, về việc đổi mới công nghệ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế để có thể tạo ra khả năng cạnh tranh công bằng tiến tới phát triển KTTH mạnh mẽ…” – bà Susane Luther khẳng định.

anh-chup-man-hinh-2024-07-10-luc-14.09.59.png
TS. Lại Văn Mạnh – Trưởng Ban Kinh tế TN&MT, Viện CLCSTN&MT trình bày tham luận

Trình bày tham luận về Yêu cầu thiết lập các chỉ số KTTH theo quy định của Việt Nam, TS. Lại Văn Mạnh – Trưởng Ban Kinh tế TN&MT, Viện CLCSTN&MT cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, nghị định nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí về KTTH theo hướng chú trọng khía cạnh kinh tế, gia tăng lợi ích kinh tế từ mô hình KTTH, phát triển bền vững.

Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng tiêu chí chung của KTTH được quy định tại Khoản 1 Điều 138 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, hướng đến tập trung về sử dụng tài nguyên hiệu quả, kéo dài vòng đời sản phẩm và hạn chế phát sinh chất thải – dựa theo các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, khai thác khoáng sản, năng lượng, giao thông vận tải,…

Trong đó, cần xét đến các cấp độ và nhu cầu đo lường đánh giá chỉ số của KTTH, bao gồm: Cấp mô; cấp vi mô; cấp sản phẩm,… thông qua các chỉ tiêu về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm và phát triển năng lượng tái tạo – cần đạt được chỉ số về tổng giá trị sản xuất tạo ra trên một đơn vị tài nguyên khoáng sản sử dụng GDP phân theo loại khoáng sản chính (tỷ VNĐ/1000 tấn hoặc tốc độ tăng của Mr/GDP giảm) đạt nhóm đầu ASEAN; tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tính trên đơn vị GDP (KgOE/GDP) giảm dần theo các năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt 15-20%,…

anh-chup-man-hinh-2024-07-10-luc-14.11.55.png
Lãnh đạo Viện Chiến lược Chính sách TN&MT và Quỹ Hanns Seidel tại Việt Nam chủ trì Hội thảo

Tuy nhiên, việc xây dựng các chỉ số KTTH tại Việt Nam thời điểm hiện tại vẫn còn gặp nhiều vướng mắc do thiếu hệ thống pháp lý cụ thể, cùng việc thu thập quản lý, đo lường dữ liệu đánh giá các chỉ số KTTH chưa đủ các công cụ đáp ứng và phương pháp chuẩn hoá,…

Do đó, TS. Lại Văn Mạnh đã đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị để thực hiện tiêu chí KTTH tại Việt Nam một cách hiệu quả như: Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến KTTH; phát triển các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các hoạt động về KTTH, đảm bảo tính thống nhất và dễ dàng áp dụng; xây dựng bộ công cụ hỗ trợ và dùng chung.

Cùng với đó, tổ chức các khoá đào tạo cho doanh nghiệp, nhà quản lý và triển khai các chiến dịch truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích và cách thức triển khai KTTH cũng như thực hiện đánh giá, đo lường các chỉ số liên quan; lồng ghép, tích hợp các nguyên tắc KTTH vào các chiến lược phát triển quốc gia và ngành, đảm bảo tính bền vững và dài hạn.

anh-chup-man-hinh-2024-07-10-luc-14.11.28.png
Bà Hoàng Thị Diệu Linh – UNDP Việt Nam trình bày tham luận

Bà Hoàng Thị Diệu Linh – Phòng Môi trường và Biến đổi khí hậu (BĐKH) – Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh các Phương pháp xây dựng lộ trình thực hiện KTTH, trong đó, cần chú trọng đến việc phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban ngành để đưa ra phương án tăng cường tính tuần hoàn trong chuỗi giá trị thực phẩm và vật liệu xây dựng, nhằm tránh sử dụng quá mức lượng carbon trong nhập khẩu lớn hơn trong xuất khẩu.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, đề xuất các biện pháp can thiệp KTTH hiệu quả và có thể hành động hỗ trợ Chiến lược Quốc gia, cập nhật xuyên suốt các thông tin về chính sách (CC, CE, SEDP), giúp cho việc sắp xếp và thu thập dữ liệu được hữu ích, nhằm xây dựng chính sách, duy trì phát triển kinh tế, giảm tác động đến môi trường và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

anh-chup-man-hinh-2024-07-10-luc-14.12.30.png
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo thu hút nhiều tham luận, ý kiến đóng góp tích cực từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước góp phần phát triển kinh tế xanh, KTTH… tại Việt Nam một cách bền vững.

Theo Báo TNMT